Chắc hẳn nhiều bạn ở đây chưa biết ngày Rằm tháng Giêng là ngày gì đúng không nè? Hôm nay Hoa Văn SaigonHSK sẽ cung cấp cho bạn một ít thông tin về ngày Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu nè!

Nguồn gốc?

Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ Trung Quốc, kéo dài từ ngày 14 – 15/1 âm lịch hàng năm.

Có nhiều tài liệu cho rằng, Tết Thượng Nguyên bắt đầu từ thời Tây Hán, Trung Quốc với lễ rước đèn long trọng.

Tương truyền, Chuyện kể rằng vào thời nhà Hán, có 1 cung nữ nhập cung và rất nhớ cha mẹ nhưng lại không được xuất cung. Đông Phương Sóc – 1 sủng thần của Hán Vũ Đế cảm động trước tấm lòng nhớ thương gia đình của cung nữ, đã giúp cô. Ông tung tin thành Trường An sẽ gặp Hỏa thần thiêu rụi khiến người dân và nhà vua vô cùng lo sợ.

Sau đó, ông hiến kế cho Hán Vũ Đế, cứ vào ngày Rằm tháng giêng hàng năm, lánh nạn bên ngoài thành, cho các gia đình treo lồng đèn giả làm cảnh lửa cháy để lừa Hỏa thần. Hán Vũ Đế đồng ý, và từ đó cứ vào ngày Rằm tháng giêng hàng năm, các gia đình đều treo lồng đèn và các cung nữ sẽ được xuất thành gặp người thân.

Tết Nguyên tiêu ở một số nước châu Á có gì đặc biệt?

Không chỉ ở Việt Nam, ngày Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu được coi là một ngày lễ lớn và quan trọng trong năm của một số nước châu Á như: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…

Tại các nước này, ngày Tết Nguyên tiêu còn gọi là Lễ hội đèn hoa hoặc Hội hoa đăng. Vào ngày này, đường phố đường trang trí đèn lồng tròn màu đỏ, tuy nhiên ngày nay có nhiều loại đèn lồng với kích thước và hình dạng khác nhau, thể hiện sự phong phú, đa dạng.

Thậm chí ở Hồng Kông và Đài Loan còn xuất hiện những chiếc đèn lồng khổng lồ, mang hình dáng con vật tượng trưng của năm đó, ví dụ như năm Thìn sẽ có đèn lồng hình con rồng, năm Dần sẽ là những chiếc đèn lồng khổng lồ mang hình con hổ….

Vào buổi tối, tại một số thành phố của các nước này còn tổ chức thả đèn hoa đăng hoặc đèn trời với mong muốn một năm may mắn, hạnh phúc, bình an và sức khỏe.

Người dân thả đèn hoa đăng – Đài Loan

Nếu như ở Việt Nam, ngày Tết Nguyên tiêu chủ yếu là lên chùa cầu bình an hoặc dâng sao giải hạn thì ở nước láng giềng Trung Quốc vào ngày này không thể thiếu tiếng trống, tiếng nhạc cùng với những màn múa lượn đẹp mắt, điêu luyện của những chú lân, chú rồng, sư tử…

Múa Lân mừng Tết Nguyên Tiêu – Trung Quốc

Ở mỗi vùng miền sẽ có kỹ thuật múa khác nhau, ở miền Nam thì chú trọng những động tác múa biến đổi linh hoạt và chỉ cần 2 người biểu diễn, trong khi đó ở miền Bắc lại khá coi trọng khí thế nên để một đội rồng biểu diễn thường có từ 10 người trở lên.

Ngoài ra còn có các hoạt động văn hóa khác như bắn pháo hoa, thi đoán câu đố trên đèn lồng… cũng được tổ chức để người dân có thể tham gia vui chơi trong ngày Tết đặc biệt này.

Đối với người dân Đài Loan, sau Tết Nguyên đán thì Tết Nguyên tiêu, cũng là ngày tết quan trọng, khắp nơi ở Đài Loan đều có những hoạt động rầm rộ chúc mừng bình an mạnh khỏe, mọi người bận rộn ngắm hoa đăng, chơi câu đối, ăn Tết.

Đài Loan ăn Tết Nguyên tiêu là sự sáng tạo kết hợp giữa truyền thống và khoa học kỹ thuật, nổi bật là nghệ thuật làm đèn lồng truyền thống và đèn lồng hiện đại, kết hợp giữa mới và cũ, thêm vào đó là những buổi biểu diễn nghệ thuật dân tộc sôi động, hàng năm đều thu hút được một lượng lớn khách du lịch đến tham quan.

Đèn lồng được treo khắp nơi trong thành phố dịp Tết Nguyên tiêu

Một số quốc gia như Thái Lan, ngày Tết Nguyên tiêu là lễ hội cúng dường đức Phật, đức Pháp và đức Tăng qua hình thức tụng Tam Tạng Kinh Điển Phật từ 7 đến 10 ngày.

Ở Ấn Độ, quanh khu vực Thánh địa nơi đức Phật thành đạo dưới gốc bồ đề, các chùa và Tăng ni, tín đồ đến từ nhiều quốc gia mà Phật Giáo là quốc giáo như Tây Tạng, Miến Điện, Lào…, tổ chức những Pháp Hội tụng Tam Tạng Pàli cúng dường đức Phật.

Trong ngày Tết Nguyên tiêu, cũng như ở Việt Nam, người dân Trung Quốc, Đài Loan,… cũng chuẩn bị hai mâm cỗ cúng để cúng Phật, thần linh và một mâm để cúng gia tiên. Mâm cỗ chay sẽ dành để cúng Phật, trong khi cúng gia tiên là mâm cỗ mặn. Và trong mâm cỗ cúng gia tiên của người Trung Quốc trong ngày Tết Nguyên tiêu không thể thiếu bát bánh trôi.

Theo quan điểm của người Trung Quốc, bánh trôi được phát âm là “tang yuan”, gần giống với “hội ngộ” nên nó thể hiện sự đoàn viên của một gia đình trong năm mới. Ở mỗi miền, mỗi địa phương lại có món bánh trôi với các loại nhân khác nhau: nhân mặn, nhân ngọt, nhân có thêm trứng….

Sau những ngày Tết Nguyên đán, với sự đoàn viên, sum họp gia đình, ngày Tết Nguyên tiêu (hay còn gọi là ngày Rằm tháng Giêng) được coi là ngày quan trọng nhất trong một năm. Đi lễ trong ngày Rằm tháng Giêng bằng cả năm đi lễ cầu khắp chốn. Đó được coi là nét văn hóa tâm linh của người Việt ta nói riêng và của nhân dân một số nước châu Á nói chung.

Ý NGHĨA NGÀY TẾT NGUYÊN TIÊU?

Các cụ ta có câu “Tết cả năm không bằng Rằm Tháng Giêng” ám chỉ đây là ngày lễ rất quan trọng trong năm.

Ngày Rằm đầu tiên trong năm, các gia đình đều sum họp đông đủ, chuẩn bị mâm cơm cúng dâng lên ông bà tổ tiên tỏ lòng thành kính. Sau đó, cả gia đình sẽ thụ lộc và quây quần bên nhau sum họp.

Đây là một ngày thể hiện được lòng biết ơn, uống nước nhớ nguồn của con cháu, cũng là ngày con cháu có thể gắn bó, khăng khít với nhau, tình cảm gia đình đong đầy.

Bên trên là một số thông tin mà Hoa Văn SaigonHSK đã sưu tầm và tìm hiểu để cung cấp cho bạn đọc thêm một số thông tin hữu ích nè. Theo dõi chúng tôi để có thêm nhiều thông tin hữu ích mà Hoa Văn SaigonHSK muốn gửi tới các bạn nè.

Nguồn:

1: https://eva.vn/tin-tuc/tet-nguyen-tieu-nguon-goc-y-nghia-le-vat-va-cach-cung-c73a507495.html

2: https://congly.vn/tet-nguyen-tieu-o-mot-so-nuoc-chau-a-co-gi-dac-biet-41808.html

Thêm bình luận