Khi học tiếng Trung, có lẽ điều làm các bạn đau đầu nhất chính là nỗi lo mang tên “chữ Hán”. Bởi chữ Hán là một dạng chữ viết biểu ý, tượng hình, chứ không phải là dạng chữ ghép theo phiên âm như tiếng Việt.

Bài viết sẽ gợi ý cho bạn một số phương pháp giúp bạn học tiếng Hán, giúp bạn chinh phục tiếng Hoa sơ cấp dễ dàng hơn!

 

1. Phương pháp sàng lọc

Bộ não người hoạt động theo cơ chế nếp nhăn. Sở dĩ có thông tin nhớ lâu được là do phần thông tin đó đã được ăn sâu vào bộ não. Để làm được điều này, chúng ta phải thường xuyên để não tiếp xúc và ghi nhớ. Học chữ Hán theo phương pháp này, trước tiên, bạn hãy liệt kê hết tất cả chữ Hán mà bạn cần học, sau đó sẽ sàng lọc dần qua nhiều lần đánh dấu. Số lượng những chữ còn lại dần sẽ ít đi, có nghĩa là số lượng chữ Hán chúng ta nhớ được sẽ càng nhiều. Phương pháp này rất hiệu quả, tuy nhiên cũng cần bạn kiên trì và bền bỉ thì mới thành công được.

2. Phương pháp phân biệt chữ gần giống nhau

Chữ Hán có rất nhiều chữ có cách viết tương tự nhau hoặc gần giống nhau. Nếu không để ý và phân biệt rõ ràng sẽ rất dễ nhầm lẫn. Ví dụ như: nhóm chữ我 找 钱; 土 士; 未 末; 爪瓜; 贝见; 墫威 戒 戎 戌 戍 戊. Trong giai đoạn mới tiếp xúc với chữ Hán, các bạn sẽ cảm thấy những chữ này rất giống nhau nên thường xuyên viết nhầm. Bạn hãy để liệt kê những chữ giống nhau này và xem kỹ xem chúng có những điểm gì khác nhau, nghĩa của từng chữ là gì để phân biệt chúng. Chỉ cần lưu tâm một chút là có thể dễ dàng nhận ra sự khác nhau giữa chúng.

3. Phương pháp học theo bộ thủ

Đa số chữ Hán đều cấu tạo từ nhiều bộ thủ, một phần biểu nghĩa, một phần biểu âm, vì thế có thể dựa vào bộ thủ để phán đoán nghĩa và âm đọc. Tiếng Trung có 214 bộ thủ, mỗi bộ thủ đều mang một ý nghĩa riêng, việc nắm vững được các bộ thủ sẽ giúp ích rất nhiều cho việc học và ghi nhớ chữ Hán. Ví dụ như, những chữ có bộ 水 thì thường liên quan đến nước, sông, hồ,…, bộ 心và忄thường liên quan đến tình cảm, cảm xúc, hay đa phần những chữ có bộ 生như 牲, 笙, 栍, 泩, 苼, 狌 đều được đọc là “shēng”. Không cần học hết 214 bộ thủ, chỉ cần ghi nhớ khoảng 30 bộ thủ cơ bản là đã có thể áp dụng rất tốt vào trong việc học chữ Hán rồi.

4. Phương pháp chiết tự

Phương pháp chiết tự có nghĩa là “tách chữ để nhớ chữ”. Ví dụ, chữ 休nghĩa là “nghỉ ngơi”, chữ này được ghép từ chữ人(người) và chữ木(cây), như vậy chữ 休có nghĩa là khi người ta làm việc mệt nhọc thì ngồi nghỉ tại gốc cây. Hay chữ 好có nghĩa là “tốt”, được ghép bởi chữ女 (phụ nữ) và chữ子 (con trai), theo quan niệm phong kiến xưa của Trung Quốc, phụ nữ sinh được con trai mới là tốt. Từ những ví dụ trên, chúng ta thấy, chiết tự chính là sự vận dụng phân tích chữ một cách linh hoạt và sáng tạo theo một tư duy logic nhất định. Tư duy logic này sẽ giúp chúng ta nhớ chữ lâu hơn.

5. Phương pháp học qua thơ

Trên cơ sở phương pháp chiết tự đã nói ở phần trên, người Việt đã sáng tạo nên những câu thơ, câu văn vần để ghi nhớ chữ lâu hơn. Như vậy, phương pháp chiết tự bằng thơ này không chỉ dừng lại ở hình thức phân tích chữ Hán thuần túy mà còn chuyển sang địa hạt văn chương và thơ ca, để chữ Hán đó dễ ăn sâu vào trí nhớ của người Việt nhờ vào vần điệu. Những bài thơ mô tả chữ này là một lợi thế rất lớn của người Việt khi học chữ Hán. Chắc hẳn sẽ có rất nhiều người nhớ được chữ 德 gồm bộ chim chích hay nhân kép (彳), thập (十), nhất (一) và tâm (心) bởi hai câu thơ:

Chim chích mà đậu cành tre

Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm.

6. Phương pháp liên tưởng tượng hình

Chữ Hán là dạng chữ tượng hình, tức là chữ viết dùng để mô phỏng lại hình ảnh thực tế của đồ vật đó ngoài đời. Vì thế, việc liên tưởng tượng hình cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc nhớ chữ và thuộc chữ. Những chữ này xuất hiện khá nhiều trong hệ thống Hán tự hiện đại. Ví dụ như: 手(tay), 口 (miệng), 田(ruộng), 水(nước), 足(chân)…

 

 

Thêm bình luận