Tứ đại kỳ thư Thủy Hử, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tây Du Ký và Hồng Lâu Mộng là các tác phẩm kinh điển trong lịch sử văn học Trung Quốc và là di sản văn hóa quý giá của thế giới. Địa vị của bốn kiệt tác này trong lịch sử văn học Trung Quốc là không thể phân biệt, đều có trình độ văn học và thành tựu nghệ thuật rất cao, ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng và định hướng giá trị của người Trung Quốc. Hôm nay cùng Hoa văn SaigonHSK xin giới thiệu sơ lược đến các bạn tứ đại kỳ thư này nhé, cùng đọc để tăng thêm vốn hiểu biết về văn hóa lịch sử Trung Quốc nhé:

1.Tác phẩm “Thủy Hử truyện”( 水浒传/Shuǐhǔ zhuàn/) của Thi Nại Am

Tác giả của “Thủy hử truyện” là Thi Nại Am (1296- 1370) tức là ông sống trong khoảng thời gian cuối đời Nguyên, đầu đời Minh trong lịch sử Trung Quốc. Quê của ông ở huyện Ngô, tỉnh Giang Tô sau dời đến Hưng Hóa. Thi Nại Am đỗ tiến sĩ năm 1330 dưới đời nhà Nguyên, rồi ông làm quan 2 năm ở Tiền Đường (nay thuộc tỉnh Hàng Châu, Trung Quốc). Sau vì bất mãn với triều đình nhà Nguyên nên ông từ quan về ở ẩn, chuyên tâm sáng tác văn học. Thủy hử là tác phẩm nổi tiếng nhất của Thi Nại Am sáng tác dựa trên các câu chuyện truyền miệng trong dân gian đời Tống, Nguyên. Cốt truyện chính của Thủy Hử là sự hình thành và những thành tích của một nhóm người chống triều đình mà trở thành giặc cướp, thường gọi là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Quá trình tập hợp của các anh hùng thảo dã tại bến nước để hình thành quân khởi nghĩa Lương Sơn Bạc được Thi Nại Am dành 70 hồi để diễn giải. Thủy Hử Truyện thành công trong việc sáng tạo rất nhiều nhân vật, nhiều anh hùng, mà mỗi nhân vật là một « khâu » rõ ràng, riêng rẽ, mỗi anh hùng đều có cá tính khác nhau. Như Lâm Xung, Lỗ Trí Thâm, Lý Quỳ, Võ Tòng, Dương Chí, Ngô Dụng, Tống Giang … Ngôn từ sáng sủa, văn chương điêu luyện, sinh động, ca tụng cuộc chiến tranh của người dân thấp cổ bé họng, phản đối sự áp bức tàn ác của kẻ nắm quyền thế độc tôn, phù trợ chính nghĩa, làm say mê người đọc.

2.Tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa” (三国演义Sānguó yǎnyì) của La Quán Trung

La Quán Trung (khoảng 1330 – khoảng 1400). Một nhà văn và nhà viết kịch vào cuối triều đại nhà Nguyên và đầu triều đại nhà Minh. La Quán Trung sinh ra trong thời kỳ xã hội hỗn loạn vào cuối thời nhà Nguyên. Sau khi nhà Minh thành lập, ông dành hết tâm sức cho việc sáng tạo văn học. Tam quốc diễn nghĩa là câu chuyện gần một trăm năm. Sự việc nhiều nhưng không rối là do ngòi bút có khuynh hướng của La Quán Trung. Tác giả đứng về phía Lưu Thục lên án Tào Ngụy, còn Tôn Ngô chỉ là lực lượng trung gian. Mặc dù còn dấu ấn khá đậm của tư tưởng chính thống và sự thực lịch sử không hẳn như thế, nhưng truyền thuyết “ủng Lưu phản Tào” là khuynh hướng vốn có của hầu hết các truyền thuyết về thời Tam Quốc lưu hành trong nhân dân. Nó phản ánh nguyện vọng có một “ông vua tốt” biết thương dân và vì dân, một triều đình thực hiện “nhân chính”, một đất nước thống nhất và hoà bình.Tam quốc diễn nghĩa là tiểu thuyết sử thi nên giọng điệu chủ yếu là ca ngợi hay châm biếm hài hước để phê phán. Khoa trương phóng đại để ca ngợi những kỳ tích của các anh hùng hảo hán như phóng đại những khó khăn hiểm trở để thử thách tài năng võ nghệ của các anh hùng. Các nhân vật luôn có vóc dáng khác người, những hành động phi thường và tâm hồn họ cũng khác với người thường. Có lẽ vì thế, có thể có nhiều trận đánh ác liệt tử vong rất nhiều nhưng không gây không khí bi thảm.Ngôn ngữ của Tam quốc diễn nghĩa là sự kết hợp giữa văn ngôn và bạch thoại, sử dụng được ngôn từ thông dụng trong nhân dân. Ngôn ngữ kể lấn át ngôn ngữ miêu tả, và trong ngôn ngữ miêu tả rất ít sử dụng định ngữ và tính từ. Người Trung Quốc gọi loại miêu tả ngắn gọn như vậy là lối bạch miêu, nhưng nhờ lối kể chuyện khéo léo, đối thoại sinh động và sử dụng rộng rãi khẩu ngữ, các truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại, chuyện lịch sử v.v… nên đã tạo cho tác phẩm một vẻ đẹp hấp dẫn vừa bác học và dân dã.

3. Tác phẩm “Tây Du ký”  (西游记/ XīYóuJì/) của Ngô Thừa Ân

Tây Du Ký là một trong những tác phẩm kinh điển trong văn học Trung Hoa. Được xuất bản với tác giả giấu tên trong những năm 1590 và không có bằng chứng trực tiếp còn tồn tại để biết tác giả của nó, nhưng tác phẩm này thường được cho là của tác giả Ngô Thừa Ân. Tiểu thuyết thuật lại chuyến đi đến Ấn Độ của nhà sư Huyền Trang (Đường Tam Tạng) đi lấy kinh. Trong tiểu thuyết, Trần Huyền Trang (陳玄奘) được Quan Âm Bồ Tát bảo đến Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh Phật giáo mang về Trung Quốc. Theo ông là 4 đệ tử – một khỉ đá tên Tôn Ngộ Không (孫悟空), một yêu quái nửa người nửa lợn tên Trư Ngộ Năng (豬悟能) và một thủy quái tên Sa Ngộ Tĩnh (沙悟淨) – họ đều đồng ý giúp ông thỉnh kinh để chuộc tội. Con ngựa Huyền Trang cưỡi cũng là một hoàng tử của Long Vương (Bạch Long Mã). Những chương đầu thuật lại những kì công của Tôn Ngộ Không, từ khi ra đời từ một hòn đá ở biển Hoa Đông, xưng vương ở Hoa Quả Sơn, tìm sư học đạo, đại náo thiên cung, sau đó bị Phật Tổ Như Lai bắt nhốt trong núi Ngũ Hành 500 năm. Truyện kể lại Huyền Trang trở thành một nhà sư ra sao và được hoàng đế nhà Đường gửi đi thỉnh kinh sau khi hoàng đế thoát chết.Phần tiếp của câu chuyện kể về các hiểm nguy mà  thầy trò Đường Tam Tạng phải đối đầu, trong đó nhiều yêu quái là đồ đệ của các vị Tiên, Phật. Một số yêu tinh muốn ăn thịt Huyền Trang, một số khác muốn cám dỗ họ bằng cách biến thành những mỹ nhân. Tôn Ngộ Không phải sử dụng phép thuật và quan hệ của mình với thế giới yêu quái và Tiên, Phật để đánh bại các kẻ thù nhiều mánh khóe, như Ngưu Ma Vương hay Thiết Phiến Công chúa,…Cuối cùng khi đã đến cửa Phật, thầy trò họ lại phải đổi Bát vàng của Hoàng đế Đường Thái Tông tặng để nhận được kinh thật. Đây cũng được tính là một khổ nạn cho bốn thầy trò. Khi qua sông Thông Thiên, Tam Tạng gặp lại Lão Rùa năm xưa chở ông qua sông. Khi đang chở Tam Tạng qua giữa sông, Lão Rùa hỏi Tam Tạng rằng ông có hỏi Phật Tổ giúp lão rằng bao giờ lão tu đắc chính quả không, vì Tam Tạng quên hỏi nên bị Lão Rùa hất cả bốn thầy trò lẫn kinh văn xuống sông. Kinh văn bị ướt, sau khi phơi khô một số bị rách. Vì thế mà kinh đến Trung thổ không được toàn vẹn.

4. Tác phẩm “Hồng Lâu Mộng” (红楼梦/Hónglóu mèng/) của Tào Tuyết Cần

Hồng lâu mộng tác giả là Tào Tuyết Cần (1715-1763) . Ông sống trong triều đại phong kiến nhà Thanh, Trung Quốc. Ông sinh ra trong một gia đình đại quý tộc, gia đình đời đời thế tập chức Giang Ninh chức tạo là một chức quan to thu thuế tại Giang Ninh thành. Năm lần vua Khang Hi tuần du Giang Nam thì bốn lần ngự tại Tào phủ. Cuộc sống trong phủ vô cùng xa hoa vương giả. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện tình duyên trắc trở giữa hai anh em con cô con cậu: Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, từ đó mô tả cuộc sống nhiều mặt của một đại gia đình quý tộc đời Minh từ lúc cực thịnh cho đến lúc suy vi trong vòng tám năm.

Hồng Lâu Mộng là một bức tranh hiện thực rộng lớn về xã hội phong kiến Trung Quốc trên con đường suy tàn. Cái vẻ ngoài tôn nghiêm nề nếp không che đậy được thực chất mọt ruỗng của giới thượng lưu sống trong Giả phủ. Cuộc sống xa hoa, dâm ô cố hữu của giai cấp bóc lột và những mối quan hệ tàn nhẫn giữa họ với nhau đã đưa Giả phủ vào con đường tàn tạ không cứu vãn được. Đó chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Trung Quốc đời Thanh. Cái cảm giác “cây đổ vượn tan”, “chim mỏi về rừng” đã chi phối ngòi bút Tào Tuyết Cần, chứng tỏ ông là nhà văn hiện thực báo hiệu buổi hoàng hôn của chế độ phong kiến. Với nhãn quan của một người dân chủ, nhà văn còn nhìn thấy những con người mới mang tư tưởng phản truyền thống. Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc chính là những đứa con “bất hiếu” của gia đình mình, họ chống quan niệm trọng nam khinh nữ truyền thống, chán ghét khoa cử công danh, theo đuổi một cuộc sống tự do, chống lại khuôn phép ràng buộc. Họ yêu nhau vì phản nghịch, càng phản nghịch họ càng yêu nhau. Đó là hồi âm của cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giữa tư tưởng dân chủ sơ khai và tư tưởng phong kiến.

Trên đây là 4 Tứ Đại Tiểu Thuyết mang đậm nét lịch sử văn học của Trung Quốc và là di sản vô cùng quý giá của thế giới mà Hoa Văn SaigonHSK tổng hợp và cung cấp cho các bạn, hi vọng đây sẽ là bài viết cung cấp thêm cho các bạn chút kiến thức về văn hóa văn học Trung Hoa.

Hoa Văn SaigonHSK chúc các bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích!

Thêm bình luận